Đang tải...
Mấy ngày nay, người dân xóm Hồng Vĩnh, thị trấn Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) xôn xao bàn tán về đám cưới hy hữu cướp cô dâu khi tiệc cưới chưa tàn xảy ra vào ngày 13/11/2013 tại xóm mình.
Bà Bùi Thị Hạnh (70 tuổi) bức xúc nói: Tôi từng này tuổi, sinh ra và lớn lên ở đất này, nhưng chưa hề thấy sự việc động trời như thế. Người lớn cả, ai lại làm cái việc thất đức ấy, khổ cho cả họ hàng nhà trai.
Còn chú rể Phạm Hữu Sinh (đã được đổi tên - PV) thì chưa hết bàng hoàng không hiểu có chuyện gì làm phật lòng họ nhà gái mà khi tiệc chưa tàn, họ đã cướp mất vợ mình.
Nghẹn ngào trong nước mắt, anh kể: "Tôi và cô Đào Thị Q. quê ở xã Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh làm việc ở 2 cơ quan gần nhau, quen biết và yêu nhau đã 3 năm rồi.
Trong quá trình yêu nhau, chúng tôi đã nhiều lần đưa nhau về nhà nội, nhà ngoại chơi, gặp gỡ các anh, chị, cô, bác, cậu, dì không ai phản đối mà trái lại, luôn vun vén cho hai người. Đời tôi quá vất vả về đường gia đình, 33 tuổi nhưng đã có 2 đời vợ.
Vợ thứ nhất cưới được 2 tháng thì cô ấy bỏ tôi đi vào miền Nam sinh sống, còn vợ thứ 2 cưới được 3 tháng thì cô ấy xin ly hôn rồi đi xuất khẩu lao động. Tôi thực sự buồn chán, quyết tâm vào thành phố Hà Tĩnh tìm kiếm việc làm.
Ở đây, tình cờ gặp Q. và chúng tôi cảm thấy mến nhau rồi yêu nhau. Để Q. khỏi bị bất ngờ trước nỗi bất hạnh của tôi, tôi nhiều lần tâm sự nói hết toàn bộ sự thật với Q..
Không những không trách cứ mà trái lại, Q. càng yêu thương tôi hơn. Cô ấy quyết tâm cùng tôi xây dựng gia đình trăm năm hạnh phúc. Yêu Q. nên tôi đã dành tất cả tình cảm chăm sóc cho cô ấy, cô ấy cũng trao hết tình cảm cho tôi".
Cản trở hôn nhân tự nguyện là tội hình sự. Ảnh minh họa.
Trước ngày cưới, vợ anh Sinh đã mang bầu 3 tháng nên xin phép gia đình cho làm lễ thành hôn vào ngày 13/11/2013. Gia đình Sinh kinh tế thuộc loại khá giả nên khi nghe hai người báo cáo, bố mẹ, anh chị, họ hàng vô cùng phấn khởi, chuẩn bị để tổ chức đám cưới thật chu đáo cả nội dung và hình thức, không để họ gái phải phàn nàn điều gì.
Đúng 11h30' ngày 13/11, gia đình rước dâu về trong sự hân hoan của dòng họ và bà con làng xóm. Kết thúc phần văn nghệ, cả họ đang liên hoan vui vẻ, mọi người đang sôi nổi chúc tụng thì bỗng có người gọi thất thanh: "Cô dâu đã bị bắt cóc".
Ai nấy bỏ mâm đứng cả dậy ùa ra thì thấy chiếc taxi chạy với tốc độ cao về hướng thành phố Hà Tĩnh. Bị bất ngờ, anh Sinh cùng một số bạn bè lên xe truy đuổi nhưng không kịp, gọi điện thoại thì cô dâu tắt máy.
Anh Sinh đau đớn vào thành phố ở mấy ngày tìm hiểu thì được biết, người cướp cô dâu không ai khác là vợ chồng chị gái Q..
Theo lời kể của lái xe taxi, khi lên xe, người đàn ông (chồng chị gái Q.) ra lệnh bắt mọi người phải tắt hết di động, rồi ra hiệu cho lái xe về ngõ 26, đường Nguyễn Biên, phường Văn Yên, thành phố Hà Tĩnh khống chế Q. vào một căn phòng rồi khóa trái cửa, mặc cho Q. kêu khóc van xin, anh chị tiếp tục lên xe đến ngã tư đường Phan Đình Phùng, sau đó thì 2 người đi đâu không rõ.
Lau giọt nước mắt cay đắng, anh Sinh nói với chúng tôi mà như tự hỏi: "Vì sao chị vợ tàn nhẫn với tôi và em gái mình thế. Những lần đi đặt lễ hỏi, lễ xin dâu, đi đăng ký kết hôn, chị không hề phản đối, vậy mà giờ lại đối xử như vậy, làm gia đình và tôi xấu hổ với xóm làng, hổ thẹn với cả dòng họ, tổ tiên".
Đau đớn và uất hận, anh Sinh làm đơn gửi các cơ quan ban, ngành chức năng kêu cứu, giúp đỡ, điều tra làm rõ sự thật vụ cướp dâu hy hữu nói trên.
Luật xưa: Hình phạt nào cho hành động "cướp dâu"?
Trước đây, người Mông có phong tục rất phổ biến là tục "bắt vợ". Khi chàng trai Mông ưng một cô gái nào đó thì tổ chức đón đường, bắt cô gái về làm vợ mình. Cô gái bị bắt về được nhà trai dùng gà trống đánh dấu nhập nhà, buộc phải lấy chàng trai cho dù có đồng ý hay không. Tuy nhiên, đây chỉ một tập tục tồn tại trong xã hội cũ, tục "bắt vợ" thường diễn ra là do những gia đình nhà trai có quyền thế ép buộc các cô gái về làm vợ. Khi các cuộc cưỡng hôn này tan vỡ thì thường người con gái chỉ biết tìm đến cái chết. Bởi lẽ sau khi đã nhập ma nhà trai, cô gái có tự ý bỏ về thì bố mẹ cô cũng không thừa nhận nữa.
Hiện nay, ở một số nơi vẫn còn tồn tại phong tục này nhưng đã khác hẳn về tính chất, thường là có sự thoả thuận từ hai phía cô gái và chàng trai, để đặt gia đình hai bên vào một sự đã rồi. Hoặc giả, lễ cưới đã được hai bên gia đình chuẩn bị, còn việc "bắt vợ" chỉ là làm tăng thêm phần thi vị cho đôi lứa mà thôi.
Suy cho cùng, tục "bắt vợ" của người Mông khi gạt bỏ những thủ tục lại khẳng định cho tình yêu mãnh liệt và niềm khát khao hạnh phúc, khao khát hôn nhân tự do đã bị chế ngự và kìm hãm từ bao đời.
Như vậy, nếu việc "cướp dâu" diễn ra vào thời xưa và là tục của người Mông thì việc "cướp dâu" đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu xảy ra vào thời nay thì cách xử lý hậu quả có khác.
Trước hết, cô dâu bị "bắt cóc" trong vụ việc vừa xảy ra ở Hà Tĩnh lại không phải do chú rể "bắt cóc" mà do vợ chồng chị gái của cô dâu này gây ra. Sau khi "bắt cóc" cô dâu, hai người này mang cô dâu đến một nơi rồi khóa trái cửa, sau đó bỏ đi đâu không rõ.
Hiện chú rể S. đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng ở địa phương đề nghị điều tra làm rõ động cơ của vụ việc trên.
Trong khi chờ kết luận cơ quan chức năng, chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta thử phân tích hành vi của vợ chồng người chị gái của cô dâu tên Q.. Trước hết, Q. là người đã trưởng thành, việc kết hôn với anh S. diễn ra hợp pháp (có đăng ký kết hôn), do vậy nếu việc "bắt cóc" cô dâu của hai vợ chồng này là nhằm mục đích phá cuộc hôn nhân của anh S. và chị Q. thì hành vi này có dấu hiệu của tội cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ quy định tại Điều 146 BLHS 1999.
Theo điều luật này, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Trong trường hợp "bắt cóc" cô dâu không phải để cản trở việc kết hôn thì hành vi của hai vợ chồng người chị gái có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 BLHS. Theo quy định của tội danh trên, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Tuy nhiên, cho dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi "bắt cóc" cô dâu ngay giữa đám cưới của vợ chồng chị gái cô dâu Q. cũng là điều đáng phê phán. Nếu họ có muốn phản đối việc kết hôn của em gái mình thì phải thể hiện quan điểm ngay khi anh S. và chị Q. thông báo với gia đình hai bên về việc họ sẽ kết hôn với nhau. Và họ cũng chỉ được phép đưa ra ý kiến với em gái theo kiểu phân tích, khuyên bảo, chứ không được phép dùng vũ lực hay gây áp lực về mặt tinh thần đối với chị Q.. Việc làm của hai người này không chỉ khiến hai bên gia đình cô dâu, chú rể xấu hổ mà còn để lại dư luận không tốt tại địa phương.
Dương Dung