Đang tải...
Bộ Công an mới có đề xuất, nhà chức trách sẽ tổng hợp hàng tuần danh sách người bị tước giấy phép lái xe do chạy quá tốc độ, lái xe khi uống nhiều rượu bia... gây tai nạn giao thông để nêu trên báo, đài truyền thanh. Nhiều luật sư đã có những ý kiến phân tích về đề xuất này.
Quy định chưa có cơ sở pháp lý
Chia sẻ với phóng viên Nguoiduatin.vn, luật sư Phạm Thị Hương, công ty luật Song Thanh cho biết: Theo ý kiến của cá nhân tôi, dự thảo quy định này của Bộ công an mang ý nghĩa rất tốt, nhằm mục đích răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Tuy nhiên, cần phải xem lại căn cứ pháp luật, có trái văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn hay không?
Cụ thể, tại Điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, quy định về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như sau:
1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Căn cứ quy định nêu trên thì việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng không áp dụng với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Như vậy, Dự thảo quy định xử phạt của Bộ công an có thể xem là chưa có cơ sở pháp lý.
Nêu tên lên báo đài không xâm phạm danh dự cá nhân
Lý giải về việc nêu tên người vi phạm giao thông lên các báo, đài truyền thanh thì quy định này có xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân theo quy định tại Điều 37, Bộ luật dân sự hay không?, luật sư Phạm Thị Hương phân tích: “Việc thông báo danh sách cá nhân vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên báo, đài, truyền thanh địa phương không thể xem là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt.
Bởi vì, theo quy định tại Điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Theo cá nhân tôi thì các hành vi vi phạm pháp luật không thuộc nội hàm khái niệm "danh dự, nhân phẩm" hay quyền riêng tư của cá nhân.
Vì vậy, việc công khai thông tin người vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông không vi phạm quy định tại Điều 37, Bộ luật dân sự".
Cần xử lý cả những tiêu cực trong xử lý vi phạm
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư Nguyên cho rằng: “Đề xuất của Bộ công an việc công khai danh tính người vi phạm đối với những vi phạm được quy định trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 38/2010/TT-BCA xử lý người vi phạm giao thông là khá mạnh dạn với mong muốn chấn chỉnh vấn nạn vi phạm giao thông, văn hóa tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay.
Một thực trạng dễ nhận thấy rằng tình trạng vi phạm giao thông ở Việt Nam trong mấy năm qua chưa được chấn chỉnh là vì quy định chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, sự công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm của những người thực thi công vụ chưa được thực hiện triệt để, còn nể nang, né tránh, ngại đụng chạm, nhất là đến những người có chức vụ, quyền hạn khi vi phạm... ý thức tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông cũng chưa được nghiêm túc, những nguyên nhân đó dẫn đến người dân nhờn luật.
Tuy nhiên để những quy định đó thực thi được trong thực tế thì cần phải tiến hành nhiều biện pháp cả về quản lý nhà nước, công tác cán bộ, nhất là kỹ luật kỷ cương, ý thức công vụ của cán bộ thực thi công vụ, xử lý vi phạm, cần có quy định xử lý nghiêm khắc trong việc để ra tiêu cực trong xử lý vi phạm và có cơ chế giám sát các cơ quan thực thi nhiệm vụ”.
Băng Tâm (ghi)